Cũng đồng quan điểm trên, anh Mohamed Osama – đồng sáng lập của công ty truyền thông Arqam – nói trên The Athletic: “Điều tuyệt vời nhất của thế hệ đã 3 lần lên ngôi liên tiếp đó là phần lớn bọn họ chơi bóng ở trong nước. Mohamed Aboutrika, Wael Gomaa, Essam El Hadary là những ngôi sao bạn sẽ thấy hàng tuần ở giải vô địch Ai Cập. Và cách họ thống trị ở sân khấu lớn nhất châu lục theo cái cách chưa từng xảy ra trước đây thực sự biến họ thành huyền thoại”.
Trong thế giới bóng đá vẫn có những tiêu chuẩn dường như bất biến trong mắt người hâm mộ, dù cho dòng chảy của trái bóng tròn thay đổi không ngừng. Một trong số đó chính là thành tích của một cầu thủ với đội tuyển quốc gia. Lionel Messi có thể đạt được những thành tựu vĩ đại trong suốt nhiều năm trời hay thiết lập những cột mốc phi thường, nhưng với người Argentina, anh vẫn chỉ đứng sau Diego Maradona.
Trường hợp tương tự có lẽ cũng diễn ra với Salah, dù cho anh có là nhà vô địch Premier League, Champions League hay 2 lần là chủ nhân giải thưởng Chiếc giày vàng Premier League đi chăng nữa. The Athletic phân tích rằng việc Salah không xuất thân từ cả hai CLB lớn nhất Ai Cập là Al Ahly và Zamalek vừa là điểm tích cực lẫn không tích cực. Một mặt, anh trở thành một gương mặt trung lập trong lòng đa số các cổ động viên Ai Cập – vốn chủ yếu là của Al Ahly và Zamalek. Nhưng mặt khác, khi anh không thi đấu tốt hoặc gặp một sự cố nào đó, có thể cả hai lực lượng cổ động viên này sẽ không bảo vệ anh như một thành viên trong gia đình.

Salah đã được đường phố dạy cách chơi bóng đá từ nhỏ trước khi gia nhập đội trẻ Al Mokawloon vào năm 13 tuổi. Đến năm 18 tuổi, Salah được đôn lên đội một của Al Mokawloon. Đã có những giai đoạn anh khóc nghẹn vì không thể ghi bàn trong quãng thời gian đầu. Tháng 2/2012, vụ bạo loạn trên sân Port Said giữa Al Masry và Al Ahly nổ ra khiến 74 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương khiến mùa giải VĐQG Ai Cập năm ấy bị huỷ bỏ. Và đó cũng là mùa cuối cùng của Salah ở Ai Cập.
Rời Al Mokawloon, Salah gia nhập Basel, sau đó đi qua Chelsea, Fiorentina, AS Roma trước khi dừng chân ở Liverpool đến thời điểm hiện. Khoảng thời gian ở Chelsea có chút khó khăn, nhưng đó cũng là giai đoạn Salah bắt đầu chú ý cải thiện cơ bắp của bản thân. Đến Roma, anh xây một sân tập ở sau vườn để tập dứt điểm. Đây cũng là thời điểm tiền đạo người Ai Cập luyện tập thiền định để học cách giữ bình tĩnh và cải thiện khả năng suy nghĩ, phân tích tình huống. Phong độ của Salah sau đó ngày càng bùng nổ.
Từ đó Mohamed Salah đã đi một hành trình dài để đạt được vị thế hiện tại. Anh đã là một huyền thoại của Liverpool, và giờ đây anh chỉ còn cách một bước chân nữa để xác lập vị thế mới của bản thân trong lịch sử bóng đá Ai Cập, dù cho lúc này anh đã là cầu thủ xuất sắc nhất của nền bóng đá này.